Site banner
Thứ tư, 7. Tháng 5 2025 - 1:01

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Châu Bình phát triển hệ thống loa truyền thanh thông minh

Loa truyền thanh thông minh tại Nhà Văn hóa ấp Bình An, xã Châu Bình.

Tháng 7-2022, xã Châu Bình là 1 trong 6 xã trên địa bàn huyện Giồng Trôm được hỗ trợ kinh phí 35 triệu đồng để lắp đặt hệ thống loa truyền thanh thông minh. Trước tiên, địa phương thống nhất ý kiến lắp đặt hệ thống tại Nhà Văn hóa ấp Bình An. Tiếp đến, Đài Truyền thanh xã sẽ tham mưu cũng như kiến nghị lên UBND xã, vận động mạnh thường quân và nhà tài trợ về kinh phí để tiếp tục lắp đặt tại những nơi trọng yếu giúp người dân nắm bắt thông tin kịp thời như: chợ Châu Bình (ấp Bình Phú), trụ sở ấp Bình Đông A và các ấp còn lại. 

Ấp Bình An có 11 tổ nhân dân tự quản (NDTQ), với 232 hộ dân, kinh tế của người dân chủ yếu trồng dừa và tiêu thụ, sản xuất liên quan đến ngành dừa. Hệ thống thông tin truyền thanh xã Châu Bình gồm 25 cụm truyền thanh (1 cụm truyền thanh của xã và 24 cụm truyền thanh của ấp) phủ sóng 8/8 ấp của xã, lắp đặt tại trụ sở ấp và tổ NDTQ trong ấp. Đảng viên Chi bộ ấp Bình An Trần Văn Nhân tâm sự: “Tôi được chi bộ phân công đảm trách việc vận hành cũng như bảo quản loa thông minh đặt tại Nhà Văn hóa ấp. Vào 5 giờ sáng, tôi vận hành hệ thống loa thông minh ở ấp, tiếp âm Đài Tiếng nói Việt Nam rồi tiếp sóng Đài Truyền thanh huyện và xã. Khoảng 17giờ 30 phút, tiếp tục tiếp sóng Đài Truyền thanh huyện và xã. Những chương trình đột xuất của xã, tôi tiếp nhận và liên kết thông tin từ Đài Truyền thanh xã để phát kịp thời đến người dân. Loa truyền thanh thông minh được cài đặt sẵn lịch tiếp sóng, thu trực tiếp phát thanh huyện và xã”.

Phụ trách Đài Truyền thanh xã Châu Bình Nguyễn Thị Kim Xa chia sẻ: Qua thời gian hoạt động, loa truyền thanh thông minh đặt tại trụ sở ấp Bình An phát huy nhiều ưu điểm so với loa truyền thanh truyền thống. Giảm được chi phí đầu tư (hệ thống loa truyền thống đầu tư khoảng 97 triệu đồng), nguồn nhân lực vận hành. Việc thu chương trình hay tiếp sóng, tiếp âm không bị nhiễu sóng, không bị gián đoạn. Kết nối đa dạng trên mạng và viễn thông như: 3G, Internet, Wifi... Đặc biệt, trường hợp cấp bách (thời tiết xấu, ảnh hưởng do bão) thì cán bộ Đài Truyền thanh không phải đến phòng thu mà có thể thu trực tiếp trên hệ thống điện thoại thông minh và truyền tải thông tin kịp thời đến người dân.

“Loa truyền thanh thông minh hội tụ được những ưu điểm so với truyền thống, hỗ trợ tích cực trong việc truyền và phát thông tin của cán bộ truyền thanh không phụ thuộc ảnh hưởng của thời tiết để giúp người dân tiếp nhận rõ ràng, chi tiết vấn đề cần được truyền đạt. Dù nhà tôi ở cuối ấp và xa hệ thống loa truyền thanh thông minh ở ấp nhưng vẫn tiếp thu được rõ ràng những thông tin về chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng, Nhà nước phổ biến đến người dân”, ông Ngô Văn Hội (ấp Bình An) cảm nhận.

Phó chủ tịch UBND xã Châu Bình Phạm Thị Phước cho biết: Địa phương được huyện hỗ trợ chi phí lắp đặt hệ thống loa truyền thanh thông minh, giúp thuận tiện trong việc truyền tải thông tin nhanh chóng và kịp thời đến người dân. Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục kiến nghị UBND huyện mở thêm cụm truyền thanh thông minh qua ấp Bình Đông A (giáp thị trấn Giồng Trôm mà Đài Truyền thanh xã chưa đến được).

Nguồn: Báo Đồng Khởi