Ngày 24-3-2016, Tòa án nhân dân huyện Giồng Trôm đã mở phiên tòa lưu động tại xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm xét xử bị cáo Châu Thị Thanh, sinh năm 1978, ngụ tại ấp Bình Long, xã Châu Bình can tội “giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ” với mức hình phạt 2 năm tù treo.
Bị cáo Châu Thị Thanh tại tòa.
Những giọt nước mắt ân hận là muộn màng với Thanh, nhưng đây là bài học bổ ích cho nhiều người, đặc biệt là cho những ai có tâm lý chủ quan, xem thường các quy định của pháp luật về an toàn giao thông.
Theo Luật Giao thông đường bộ, người đủ điều kiện lái xe là người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 phân khối; người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô-tô hai bánh, xe mô-tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 phân khối trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự khi có giấy phép lái xe phù hợp.
Quy định là vậy, song trong thời gian qua, tại Bến Tre, tình trạng người chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện tham gia giao thông diễn ra khá phổ biến. Chỉ tính trong năm 2015, lực lượng Cảnh sát giao thông trong tỉnh đã xử phạt gần 2 ngàn trường hợp vi phạm lỗi này. Có mặt tại Đội xử lý vi phạm Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ Công an tỉnh, chúng tôi gặp rất nhiều phụ huynh đưa con em đến viết bản cam kết và đóng tiền phạt về lỗi lái xe khi chưa đủ tuổi. Khi được hỏi, hầu hết phụ huynh và người vi phạm đều biết quy định về độ tuổi lái xe nhưng vẫn cố tình không chấp hành. Như trường hợp của ông Phạm Văn An ở xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú, dù biết con trai là em Phạm Văn Tính (17 tuổi) chưa đủ tuổi lái xe có dung tích xi-lanh trên 50 phân khối, thay vì ngăn cản thì ông lại giao xe 100 phân khối cho con mình điều khiển. Giải thích về vấn đề này, ông An cho biết: “Biết con chưa có bằng lái nhưng thấy con biết lái xe nên tôi nghĩ giao xe cho con chắc không sao, giờ ngẫm nghĩ lại thấy việc làm đó thật sự nguy hiểm. Từ đây về sau tôi sẽ nhắc nhở, không để con lái xe khi chưa đủ tuổi nữa”.
Việc giao xe cho người chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện tham gia giao thông tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn do sức khỏe của họ chưa đảm bảo để làm chủ hoàn toàn phương tiện. Ở tuổi mới lớn, các em thường có tâm lý thích thể hiện mình với bạn bè, vì vậy, khi tham gia giao thông, một số em cố tình có những hành vi quá khích như: chạy quá tốc độ, lạng lách, đánh võng, chở quá số người quy định... Và điều quan trọng hơn là những người này chưa học Luật Giao thông đường bộ, chưa được kiểm tra sát hạch để cấp giấy phép lái xe theo quy định. Do vậy, sự hiểu biết của họ đối với các quy định của pháp luật về an toàn giao thông rất hạn chế, nhất là phản xạ khi gặp những tình huống xấu trong lúc điều khiển phương tiện, họ không biết cách xử lý như thế nào, hậu quả xảy ra tai nạn hoặc va chạm là điều không tránh khỏi.
“Mất bò mới lo làm chuồng”, không đề phòng rủi ro đến khi sự việc đáng tiếc xảy ra thì hối tiếc, ân hận đã muộn màng. Trong năm 2015, toàn tỉnh xảy ra 36 vụ tai nạn giao thông do người chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện gây ra. Người chưa đủ tuổi trực tiếp điều khiển phương tiện tham gia giao thông gây tai nạn chẳng những bị thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của mình mà còn gây ra hệ lụy tương tự cho người khác. Trong đó có phần trách nhiệm của người giao xe cho người không đủ tuổi điều khiển. Như trường hợp nêu trên, đó là vào khoảng 18 giờ ngày 29-11-2015, chị Châu Thị Thanh (ngụ ấp Bình Long, xã Châu Bình) đã giao xe gắn máy cho con ruột của mình là Mai Châu Hưng (15 tuổi) điều khiển. Khi đang lưu thông trên Đường tỉnh 885, thuộc Ấp 5, thị trấn Giồng Trôm, do thiếu chú ý quan sát, Hưng đã đụng ông Trần Văn Hiệp đi bộ cùng chiều làm ông Hiệp bị thương nặng, sau đó tử vong tại bệnh viện.
Dù là người trực tiếp điều khiển phương tiện gây tai nạn nhưng theo quy định của pháp luật, Mai Châu Hưng chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi của mình. Về phần chị Thanh - người trực tiếp giao xe cho Hưng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Với tội danh “giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ”, Tòa án nhân dân huyện đã tuyên phạt bị cáo Châu Thị Thanh 2 năm tù treo, cấm đi khỏi nơi cư trú.
Qua vụ việc trên, mọi người cần rút ra cho mình bài học kinh nghiệm, trước khi giao xe cho người khác thì phải tìm hiểu người “được giao” xe có đủ điều kiện điều khiển các loại xe đó hay không. Để tránh gặp phải rủi ro, tai nạn đáng tiếc, mỗi người phải đề cao ý thức và trách nhiệm trong việc quản lý phương tiện của mình. Giao xe cho người không đủ tuổi, không có giấy phép lái xe tham gia giao thông cũng có nghĩa là đã gián tiếp tạo ra nguy cơ gây tai nạn trên đường và chính mình phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Nguồn: Báo Đồng Khởi